Diễn Đàn MathScope

Diễn Đàn MathScope (http://forum.mathscope.org/index.php)
-   Đề Thi HSG Cấp Quốc Gia (http://forum.mathscope.org/forumdisplay.php?f=145)
-   -   Đề thi chọn đội tuyển quốc gia của Mỹ 2012 (http://forum.mathscope.org/showthread.php?t=34073)

huynhcongbang 22-07-2012 08:10 PM

Đề thi chọn đội tuyển quốc gia của Mỹ 2012
 
1 Attachment(s)
ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA
CỦA MỸ NĂM 2012
**********************


Bài 1.

Tìm tất cả các dãy vô hạn các số nguyên dương ${{a}_{1}},{{a}_{2}},{{a}_{3}},...$ thỏa mãn đồng thời các tính chất sau:
i) ${{a}_{1}}<{{a}_{2}}<{{a}_{3}}<...$
ii) Không có các số nguyên dương $i,j,k$ nào, không nhất thiết phân biệt, thỏa mãn ${{a}_{i}}+{{a}_{j}}={{a}_{k}}.$
iii) Tồn tại vô hạn các số nguyên dương $k$ sao cho ${{a}_{k}}=2k-1.$

Bài 2.

Cho tứ giác $ABCD$ có hai đường chéo $AC=BD$ và chúng cắt nhau tại $P.$ Gọi ${{\omega }_{1}}$ và ${{O}_{1}}$ lần lượt là đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABP$ và tâm tương ứng của nó; gọi ${{\omega }_{2}}$ và ${{O}_{2}}$ lần lượt là đường tròn ngoại tiếp tam giác $CDP$ và tâm tương ứng của nó. Đoạn $BC$ cắt ${{\omega }_{1}},{{\omega }_{2}}$ lần lượt tại $S,T.$ Gọi $M,N$ lần lượt là trung điểm của cung SP (không chứa $B$) và cung TP (không chứa $C$).
Chứng minh rằng $MN\parallel {{O}_{1}}{{O}_{2}}$.

Bài 3.

Cho hàm số $f:{{\mathbb{N}}^{+}}\to {{\mathbb{N}}^{+}}$ thỏa mãn các điều kiện sau:
i) $f(m),f(n)$ nguyên tố cùng nhau với mọi $m,n$ nguyên tố cùng nhau.
ii) $n\le f(n)\le n+2012$ với mọi số nguyên dương $n.$
Chứng minh rằng với mọi số nguyên dương $n$ và số nguyên tố $p,$ nếu $p$ chia hết $f(n)$ thì $p$ cũng chia hết $n.$

Bài 4.

Cho tam giác $ABC$ có chân các đường vuông góc kẻ từ $A,B,C$ đến các cạnh đối diện lần lượt là ${{A}_{1}},{{B}_{1}},{{C}_{1}}.$ Gọi ${{A}_{2}}$ là giao điểm của đường thẳng $BC$ và ${{B}_{1}}{{C}_{1}}$. Các điểm ${{B}_{2}},{{C}_{2}}$ xác định tương tự. Giả sử $D,E,F$ lần lượt là trung điểm của $BC,CA,AB.$
Chứng minh rằng các đường vuông góc kẻ từ $D$ đến $A{{A}_{2}},$ từ $E$ đến $B{{B}_{2}}$ và từ $F$ đến $C{{C}_{2}}$ đồng quy.

Bài 5.

Cho số hữu tỉ $x$. Chứng minh rằng tồn tại một dãy các số hữu tỉ ${{x}_{0}},{{x}_{1}},{{x}_{2}},...$ thỏa mãn
a) ${{x}_{0}}=x.$
b) Với mỗi $n\ge 1,$ ${{x}_{n+1}}=2{{x}_{n}}$ hoặc ${{x}_{n+1}}=2{{x}_{n}}+\frac{1}{n}$.
c) ${{x}_{n}}$ là số nguyên với một số số nguyên dương $n.$

Bài 6.

Cho các số thực dương $x,y,z$ thỏa mãn $xyz+xy+yz+zx=x+y+z+1$.
Chứng minh rằng
$\frac{1}{3}\left( \sqrt{\frac{1+{{x}^{2}}}{1+x}}+\sqrt{\frac{1+{{y}^ {2}}}{1+y}}+\sqrt{\frac{1+{{z}^{2}}}{1+z}} \right)\le {{\left( \frac{x+y+z}{3} \right)}^{5/8}}$
Hỏi dấu đẳng thức xảy ra khi nào?

Bài 7.

Cho tam giác $ABC$ nội tiếp đường tròn $\Omega .$ Đường phân giác trong góc $A$ cắt cạnh $BC$ và đường tròn $\Omega $ lần lượt tại $D$ và $L$. Gọi $M$ là trung điểm $BC$. Đường tròn ngoại tiếp tam giác $ADM$ lần lượt cắt các cạnh $AB,AC$ tại $Q$ và $P$. Gọi $N$ là trung điểm của đoạn $PQ$ và $H$ là hình chiếu của $L$ xuống $ND.$
Chứng minh rằng $ML$ tiếp xúc với đường tròn ngoại tiếp tam giác $HMN.$

Bài 8.

Cho số nguyên dương $n.$ Xét một bảng tam giác gồm các số nguyên không âm như sau:
  • Hàng 1: ${{a}_{0,1}}$
  • Hàng 2: ${{a}_{0,2}}\text{ }{{a}_{1,2}}$
  • Hàng 3: ${{a}_{0,3}}\text{ }{{a}_{1,3}}\text{ }{{a}_{2,3}}$
  • Hàng $n:$ ${{a}_{0,n}}\text{ }{{a}_{1,n}}\text{ }{{a}_{2,n}}\text{ }...\text{ }{{a}_{n-1,n}}$
Ta gọi một bảng tam giác như trên là “ổn định” nếu như với mọi các số không âm $i,j,k$ mà $0\le i<j<k\le n$ thì ta đều có
${{a}_{i,j}}+{{a}_{j,k}}\le {{a}_{i,k}}\le {{a}_{i,j}}+{{a}_{j,k}}+1$.
Với một dãy các số nguyên không âm và không giảm ${{s}_{1}},{{s}_{2}},{{s}_{3}},...,{{s}_{n}},$ chứng minh rằng tồn tại duy nhất một bảng tam giác ổn định xác định như trên sao cho tổng tất cả các phần tử trên dòng thứ $k$ bằng ${{s}_{k}}$ với $1\le k\le n.$

Bài 9.

Xét tập hợp $S$ gồm $n$ biến, một toán tử hai ngôi $\times $ trên tập $S$ được gọi là “đơn giản” nếu như $(x\times y)\times z=x\times (y\times z)$ với mọi $x,y,z\in S$ và $x\times y\in \left\{ x,y \right\}$ với mọi $x,y\in S$.
Xét một toán tử “đơn giản” trên tập $S,$ rõ ràng với mọi xâu là một dãy các phần tử thuộc $S$, bằng cách áp dụng các toán tử trên theo một thứ tự nhất định, đều có thể được rút gọn thành một phần tử duy nhất, chẳng hạn $xyz\to x\times (y\times z)$. Mỗi xâu được gọi là “đầy đủ” nếu như nó chứa mỗi phần tử của tập $S$ ít nhất một lần, hai xâu được gọi là “tương đương” nếu như với mọi cách chọn các toán tử “đơn giản” thì đều cho ra cùng một kết quả, chẳng hạn $xxx,xx,x$ là các xâu tương đương. Gọi $T$ là tập hợp các xâu mà bất cứ xâu đầy đủ nào cũng tương đương với đúng một phần tử của tập $T.$
Xác định số phần tử của tập hợp $T.$


*****Hết*****

novae 22-07-2012 08:18 PM

Trích:

Nguyên văn bởi huynhcongbang (Post 164251)
Bài 4.

Cho tam giác $ABC$ có chân các đường vuông góc kẻ từ $A,B,C$ đến các cạnh đối diện lần lượt là ${{A}_{1}},{{B}_{1}},{{C}_{1}}.$ Gọi ${{A}_{2}}$ là giao điểm của đường thẳng $BC$ và ${{B}_{1}}{{C}_{1}}$. Các điểm ${{B}_{2}},{{C}_{2}}$ xác định tương tự. Giả sử $D,E,F$ lần lượt là trung điểm của $BC,CA,AB.$
Chứng minh rằng các đường vuông góc kẻ từ $D$ đến $A{{A}_{2}},$ từ $E$ đến $B{{B}_{2}}$ và từ $F$ đến $C{{C}_{2}}$ đồng quy.

Gọi $H$ là trực tâm tam giác $ABC$. Áp dụng định lý Brocard cho tứ giác $BC_1B_1C$ nội tiếp đường tròn đường kính $BC$, ta suy ra $D$ là trực tâm tam giác $HAA_2$, suy ra $DH \bot AA_2$.
Vậy các đường thẳng đã cho đồng quy tại $H$.

novae 22-07-2012 08:41 PM

1 Attachment(s)
Trích:

Nguyên văn bởi huynhcongbang (Post 164251)
Bài 7.

Cho tam giác $ABC$ nội tiếp đường tròn $\Omega .$ Đường phân giác trong góc $A$ cắt cạnh $BC$ và đường tròn $\Omega $ lần lượt tại $D$ và $L$. Gọi $M$ là trung điểm $BC$. Đường tròn ngoại tiếp tam giác $ADM$ lần lượt cắt các cạnh $AB,AC$ tại $Q$ và $P$. Gọi $N$ là trung điểm của đoạn $PQ$ và $H$ là hình chiếu của $L$ xuống $ND.$
Chứng minh rằng $ML$ tiếp xúc với đường tròn ngoại tiếp tam giác $HMN.$

[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]

Trước hết, ta chứng minh được $BQ=CP$. Từ đó suy ra $MN \parallel AL$.

Gọi $I$ là trung điểm cung $PQ$ không chứa $D$ của $(ADM)$. Ta chứng minh được $I$ là trung điểm cung $BC$ không chứa $L$ của $\Omega$.

Như vậy, ta chỉ cần chứng minh $IM^2 = IN \cdot IH$.

Tứ giác $HDML$ nội tiếp nên suy ra $IH \cdot ID = IM \cdot IL \quad (1)$.
$MN \parallel DL$ nên $IL \cdot IN = IM \cdot ID \quad (2)$.

Nhân vế với vế hai đẳng thức $(1)$ và $(2)$, ta suy ra điều cần chứng minh.

thephuong 22-07-2012 11:33 PM

1 Attachment(s)
Còn bài hình nữa chém luôn :))
Hình vẽ

Lời giải
Gọi $Q$ là giao điểm thứ 2 của hai đường tròn $(\omega_1)$ và $(\omega_2)$. Ta thấy rằng $\angle{QAC}=\angle{QBD}$; $\angle{QCA}=\angle{QDB}$ do đó $\Delta QAC \sim \Delta QBD$. Hơn nữa $AC=BD$ nên $\Delta QAC = \Delta QBD$. Như vậy $QA=QB; QD=QC$. Suy ra $PQ$ là phân giác ngoài góc $\angle{APB}$ hay là phân giác góc $\angle{BPC}$.
Tam giác $PBC$ có $PQ$ là phân giác $\angle BPC$; $BM$ và $CN$ là phân giác $\angle{PBC}$ và $\angle{PCB}$ nên chúng đồng quy.
Ta lại có biến đổi góc sau: $\angle{MQN} = \angle{MSP} + \angle{NTP}= \dfrac{1}{2}\left(\angle{PCT}+\angle{PBS}\right)= \dfrac{1}{2}\angle{DPC}=\angle{DQO_2}$ (vì $QD=QC$)
Gọi tia $CN$ là tia $Ct$ thì $\angle{QNt} = \angle{QDC}$. Do đó $\angle{QNt}+\angle{MQN} = 90^\circ$.
Hay $CN \perp QN$. Tương tự $BM \perp QN$ mà $BQ, BM, CN$ đồng quy nên chúng đồng quy tại trực tâm tam giác $QMN$ do đó $PQ \perp MN$ mà $PQ \perp O_1O_2$ nên có đpcm.

huynhcongbang 23-07-2012 11:56 AM

Cảm ơn mọi người đã ủng hộ!
Theo mình thấy thì đề chọn đội tuyển của Mỹ có nhiều điểm giống với đề của Trung Quốc, đặc biệt chú trọng vào các bài "chứng minh tồn tại trong số học tổ hợp", giống với bài 3 và 6 IMO vừa rồi.


huynhcongbang 23-07-2012 02:47 PM

Trích:

Nguyên văn bởi AnhIsGod (Post 164346)
Anh đang nói đến cuốn around gì thế? Tiết lộ đôi chút được không ạ?:-w

Thì lần trước trong topic về GGTH IV tại TPHCM, anh có nhắc đến tài liệu đi kèm cuốn Kỷ yếu hàng năm là Around the world Vietnam Version đấy, có thể hiểu đây là: Tuyển tập các đề thi quốc gia và chọn đội tuyển quốc gia của các nước năm 2012. =p~

Nói chung trên mathlink có đề thi nào ghi năm 2012 là trong cuốn đó sẽ có hết và 50% đề trong số đó sẽ có lời giải chi tiết. :)

thephuong 23-07-2012 10:17 PM

Em đề nghị mọi thông tin thắc mắc về cuốn sách around hay cuốn kỉ yếu thì thắc mắc ở link này. Em sẽ xóa những post ko cần thiết, vì theard này là dành cho đề thi chọn đội tuyển Mĩ.
[Only registered and activated users can see links. Click Here To Register...]


Múi giờ GMT. Hiện tại là 07:16 AM.

Powered by: vBulletin Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.

[page compression: 17.28 k/18.03 k (4.19%)]