Xem bài viết đơn
Old 02-12-2007, 08:55 PM   #2
nguyentuan_tn
+Thành Viên+
 
Tham gia ngày: Nov 2007
Bài gởi: 22
Thanks: 1
Thanked 4 Times in 3 Posts
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Các trường đại học lần lượt trở về Hà Nội.

Mùa hè năm ấy, TS. Hoàng Tụy, có mặt tại Matxcơva đúng vào dịp diễn ra Olympic Toán quốc tế lần thứ 15. Hôm ấy V. A. Skvortsov, một người bạn của anh Tụy và cũng là thành viên Ban tổ chức, mời anh tham gia Đoàn chủ tịch buổi lễ bế mạc. Nhân đó, anh Tụy trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp nước bạn về khả năng Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 sẽ diễn ra tại Berlin (CHDC Đức). Khó khăn chính là: Liệu nước chủ nhà có vui lòng tài trợ chẳng những tiền ăn, ở tại CHDC Đức trong thời gian dự thi, mà cả tiền vé máy bay đi, về cho Đoàn học sinh Việt Nam? Anh Tụy hỏi người đồng nghiệp Đức. Ông này rất sốt sắng tán thành.

Trở về Hà Nội, TS. Hoàng Tụy xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để báo cáo. Thủ tướng đồng ý, nhưng nói thêm: "Chỉ có một điều tôi đòi hỏi các anh là đừng để Việt Nam ta đứng cuối bảng!"

Mùa hè 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, ngành giáo dục nước ta "mạo hiểm" cử một đội tuyển gồm 5 học sinh (nếu đủ, đội tuyển phải gồm 8 học sinh) đi dự Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tổ chức tại Berlin (CHDC Đức), do thầy Lê Hải Châu và TS. Phan Đức Chính lãnh đạo. Năm 1973, lần đầu tiên đội tuyển Cu Ba dự Olympic Toán quốc tế ở Matxcơva, chỉ được tặng 1 bằng khen. Thế mà bạn đã vui vẻ lắm rồi. Sang năm 1974, Việt Nam ta dự Olympic Toán quốc tế, với niềm hy vọng mong manh giành 1 huy chương đồng. Thế nhưng, kết quả thật không sao tưởng tượng nổi! 5 học sinh dự thi thì 4 đoạt huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Đình Hòa (bạc), Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng cũng chỉ thiếu 1 điểm thì giành huy chương đồng.

2 giờ chiều ngày thứ hai, 15.7.1974, giữa thủ đô Berlin, Hội đồng thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tổ chức lễ trao giải thưởng cho các thí sinh. Thay mặt Hội đồng thi và Ban tổ chức, GS. Herbert Tisser đọc tên các học sinh đoạt giải và mời lên lĩnh bằng và huy chương. Đến chữ Hoàng Lê Minh, ông đọc rất chậm, có lẽ vì tiếng Việt khó phát âm. Nhưng đến quốc tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì rõ ràng ông cố ý nhấn mạnh. Tiếng vỗ tay vang dội, kéo dài, hết đợt một, tiếp đợt hai. Từ hàng ghế học sinh, nhanh nhẹn mà không vội vàng, Hoàng Lê Minh bước lên bục đoàn Chủ tịch. GS. Wolfgang Engels, Chủ tịch Hội đồng thi quốc tế, nghiêng người bắt tay thân mật, rồi trao cho Minh bằng giải nhất và tấm huy chương vàng trước ống kính của các nhà nhiếp ảnh, quay phim. Ai cũng muốn ghi lại hình ảnh người học sinh Việt Nam vóc dáng bé nhỏ nhưng nét mặt thông minh, trầm tĩnh. Ai cũng ngạc nhiên bởi lẽ thật khó tưởng tượng nổi từ một đất nước bị máy bay chiến lược B52 của Mỹ kẻ ô vuông ném bom trải thảm, từ những mái trường sơ tán học dưới ánh đèn dầu đến dự thi Olympic Toán quốc tế, học sinh Việt Nam lại có thể đoạt giải, kể cả giải nhất!

Thật khó lòng nói hết nỗi vui sướng của người thầy khi thấy học trò của mình thành công.

Từ mùa hè năm 1974, năm nước ta bắt đầu dự thi Olympic Toán quốc tế đến mùa hè năm 2005, các học sinh trong khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐHQGHN) đã mang về cho đất nước 58 tấm huy chương trong đó có 20 huy chương vàng. Dự thi toán quốc tế 2 năm liền (khi học lớp 11, rồi lớp 12), 4 học sinh trong Khối giành 8 huy chương vàng: Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn và Lê Hùng Việt Bảo.

Số nước dự Olympic Toán quốc tế trong những năm gần đây lên tới hơn 80. Tuy vậy, đội tuyển Việt Nam vẫn được xếp - không chính thức, vì không có giải đồng đội - vào nhóm 10 nước dẫn đầu.

Trong báo cáo đọc tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII hồi tháng 10.2005, TS. Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm khối, cho biết: 400 học sinh cũ của khối đã trở thành tiến sĩ, và 30 người khác đạt học vị cao hơn - tiến sĩ khoa học. Nhiều người đã trở thành giáo sư, nhà khoa học có tiếng như Đào Trọng Thi, Trần Văn Nhung, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà, Lê Hồng Vân, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn... Đối với một trường trung học phổ thông không nhiều học sinh, đó quả là những sự kiện nổi bật.

Đúng là nước ta chưa có một trường đại học nào ở đẳng cấp quốc tế. Song, ở bậc trung học, thì chúng ta đã có một số trường mà tiêu biểu là Khối THPT chuyên Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đạt đẳng cấp quốc tế.

Một ngày trước Tết Bính Tuất, tôi lại đến thăm PGS. Phan Đức Chính, một người bạn "cố tri" tại nhà riêng của ông bên bờ Hồ Tây. Ông đã về hưu, cột sống bị vôi hóa, người gầy, xanh, chòm râu cằm lưa thưa. Nhưng, khi nhắc đến những tháng năm dạy phổ thông chuyên Toán, ông vẫn say sưa, đầy cảm xúc: "Trong đời, tôi chẳng mấy khi rơi nước mắt. Ấy thế mà, vào mùa hè năm 1974, lần đầu tiên dẫn 5 em học sinh ta đi thi toán quốc tế ở Berlin, giành một lúc 4 giải, kể cả giải Nhất, Nhì, tôi không sao ngăn nổi dòng nước mắt cứ trào ra...".

Hàm Châu [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
[RIGHT][I][B]Nguồn: MathScope.ORG[/B][/I][/RIGHT]
 
nguyentuan_tn is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
The Following User Says Thank You to nguyentuan_tn For This Useful Post:
huynhcongbang (27-11-2010)
 
[page compression: 13.45 k/14.47 k (7.03%)]