Xem bài viết đơn
Old 02-12-2007, 04:06 PM   #2
nguyentuan_tn
+Thành Viên+
 
Tham gia ngày: Nov 2007
Bài gởi: 22
Thanks: 1
Thanked 4 Times in 3 Posts
GS. Lê Văn Thiêm cùng với GS. Hoàng Tụy đã có đóng góp lớn trong việc thành lập Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam. Năm 1970, GS. Lê Văn Thiêm được điều động sang phụ trách Viện Toán học thuộc Viện Khoa học Việt Nam với cương vị Viện trưởng. Từ buổi đầu gian khó của một viện khoa học mới được thành lập và rồi trong hoàn cảnh chống chiến tranh phá hoại của Mỹ lại leo thang (1972), Viện phải sơ tán về huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc), dưới sự chỉ đạo của GS. Lê Văn Thiêm và lãnh đạo Viện, công tác nghiên cứu khoa học của Viện vẫn được tiến hành với quyết tâm cao. Năm nào Viện cũng tổ chức được hội nghị khoa học để các cán bộ thông báo kết quả nghiên cứu mới. Viện vẫn có những công trình đạt chất lượng cao, công bố trên các tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Ngay từ khi mới thành lập, Viện đã có một kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ tương đối lâu dài. Nhiều cán bộ trẻ của Viện được cử đi học tập ở Liên Xô và các nước Đông Âu, dưới các hình thức thực tập sinh và nghiên cứu sinh. Ngày 20.5.1975, Nhà nước quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam trực thuộc Chính phủ, trên cơ sở của khối nghiên cứu thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Viện Toán học là thành viên của Viện Khoa học Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Toán học đã trở thành một trung tâm toán học uy tín hàng đầu của cả khu vực.

GS. Lê Văn Thiêm có đóng góp lớn trong việc thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học thế giới. Ông đã đưa Hội Toán học Việt Nam tham gia vào Hội Toán học quốc tế với tư cách là thành viên chính thức, đưa Viện Toán học tham gia vào Trung tâm Toán học quốc tế Banach (Ba Lan). Nhờ mối quan hệ tốt và uy tín khoa học của ông mà nhiều nhà toán học có tên tuổi trên thế giới như Laurent Schwartz, Grotendick (Pháp), Smale và Chomsky (Mỹ)... đã sang Việt Nam và nhiệt tình giúp đỡ, cộng tác với các nhà toán học Việt Nam.

Xuất thân từ một nhà toán học lý thuyết, nghiên cứu những vấn đề trừu tượng của toán học như hàm biến phức, diện Rieman, lý thuyết hàm phân hình..., GS. Lê Văn Thiêm đã không ngần ngại chuyển qua nghiên cứu những vấn đề ứng dụng gắn với thực tiễn Việt Nam, với mong muốn đóng góp thiết thực cho công cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông luôn luôn khuyến khích, động viên mọi người trong việc ứng dụng toán học vào thực tiễn. Ông nói: "Ngành toán phải đi tiên phong trong việc ứng dụng và cải cách triệt để trong sản xuất công nghiệp, nghĩa là phải thật sự bắt đầu trong cuộc cách mạng công nghệ để tăng năng suất lao động và sản phẩm cho xã hội". Năm 1963, nghiên cứu công trình về ứng dụng hàm biến phức trong lý thuyết nổ, vận dụng phương pháp Lavrentiev, GS. Lê Văn Thiêm đã cùng các học trò tham gia giải quyết thành công một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam: Tính toán nổ mìn buồng mỏ đá núi Voi lấy đá phục vụ xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (1964); Phối hợp với Cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng lập bảng tính toán nổ mìn làm đường (1966); Phối hợp với Viện Thiết kế Bộ Giao thông vận tải tính toán nổ mìn định hướng để tiến hành nạo vét kênh nhà Lê từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh (1966 - 1967).

Sau khi Viện Toán học thành lập, GS. Lê Văn Thiêm nhận thấy cần ứng dụng hàm biến phức sang các lĩnh vực khác như: lý thuyết đàn hồi, chuyển động của chất lỏng nhớt... Nhiều vấn đề lớn của đất nước như: Tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thuỷ điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn; Tính toán chất lượng nước cho công trình thuỷ điện Trị An... đã được ông và những người cộng tác như: Ngô Văn Lược, Hoàng Đình Dung, Lê Văn Thành... nghiên cứu giải quyết. Kết hợp nghiên cứu lý thuyết với ứng dụng, GS. Lê Văn Thiêm đề xuất một phương pháp độc đáo sử dụng nguyên lý thác triển đối xứng của hàm giải tích để tìm nghiệm tường minh cho bài toán thấm trong môi trường không đồng chất. Công trình này được đánh giá cao, được đưa vào cuốn sách chuyên khảo "The Theory of Groundwater Movement" (Lý thuyết chuyển động nước ngầm) của nữ Viện sĩ người Nga P.Ya.Polubarinova Kochina, xuất bản ở Matxcơva năm 1977... GS. Lê Văn Thiêm đã biên soạn thành giáo trình hoàn chỉnh để hướng dẫn cho những người không có chuyên môn Toán học sử dụng phương pháp đó.

GS. Lê Văn Thiêm là người như thế. Ông làm toán không phải vì danh vọng, tiền tài, mà chỉ đơn giản, đó là cách mà ông có thể đóng góp phần mình cho đất nước. Chính vì thế mà ông được mọi người tin yêu, kính trọng và hình ảnh của ông không thể phai mờ trong ký ức của những người đã từng được biết ông, được làm việc bên ông. Song, công lao lớn nhất của GS. Lê Văn Thiêm là đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học và giáo dục trẻ, tài năng cho đất nước. Phần lớn các nhà toán học hàng đầu của Việt Nam ngày nay đều ít nhiều là học trò của ông, cách này hay cách khác. Với tài năng toán học xuất sắc của mình, ông đã từng là thần tượng suốt thời thanh niên của nhiều người và không ít người trong số đó đã đến với toán học trước hết vì ngưỡng mộ tài năng và nhân cách của ông. Bằng bản lĩnh mô phạm của người thầy, ông luôn luôn quan tâm, dìu dắt sinh viên, đồng thời cũng nghiêm khắc đòi hỏi ở họ sự nỗ lực và năng lực sáng tạo. Ông là một trong những người sáng lập các lớp chuyên toán và tờ báo Toán học và Tuổi trẻ.

Từ năm 1980, GS. Lê Văn Thiêm công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, đã đóng góp có hiệu quả, đưa Phòng Toán học ứng dụng trở thành Trung tâm Toán học Ứng dụng và Tin học ở các tỉnh phía Nam.

Trong suốt 47 năm (1944 - 1991), GS. Lê Văn Thiêm đã để lại cho đời sau trên 20 công trình khoa học có giá trị trong đó có công trình là nguồn gốc xuất phát của một số luận án tiến sĩ Toán học của Mỹ hiện nay. GS. Lê Văn Thiêm có những đóng góp to lớn cho Toán học trên cả ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng.

Tên tuổi GS. Lê Văn Thiêm có thể gắn với rất nhiều chữ "đầu tiên". Ông cùng với GS. Phạm Tinh Quát (thân sinh GS. Frédéric Phạm) là những người đầu tiên thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Paris năm 1941. Họ cũng là những người Việt Nam đầu tiên nhận được học vị tiến sĩ quốc gia của Pháp năm 1948. Ông là tác giả của công trình toán học đầu tiên của người Việt Nam công bố trên tạp chí quốc tế, là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán học tại một trường đại học châu Âu (Đại học Bách khoa Zurich, Thụy Sĩ, 1949). Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Khoa học Cơ bản, Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Toán (Đại học Tổng hợp Hà Nội), Trưởng Ban Toán - Lý - Hoá (Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước) trong năm 1960, Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Toán học, Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam, Tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí toán học của Việt Nam: "Vietnam Journal of Mathematics" và "Acta Mathematica Vietnamica". Giáo sư là đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện Liên hợp Nghiên cứu Nguyên tử tại Đúpna, Liên Xô (1956 - 1980), đại biểu Quốc hội khoá II và III (1956 - 1970)... Có thể có nhiều cái "đầu tiên" nữa, nhiều đóng góp nữa của ông mà bài viết này chưa thể đề cập hết, song có một điều mà không ai quên được, đó là những gì ông để lại cho nền khoa học Việt Nam.

Để ghi nhớ những cống hiến to lớn của ông về khoa học, giáo dục và xã hội, 5 năm sau ngày ông mất, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất, vinh dự cao quý mà ít nhà khoa học đạt được.

Nói về ông, GS. Hoàng Tụy - một đồng nghiệp, một người bạn thân thiết có nhiều năm gắn bó với ông đã tâm sự: "Giá như GS. Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, ông đã có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào, và thật sự, tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn ông và tự hào về ông"./.
[RIGHT][I][B]Nguồn: MathScope.ORG[/B][/I][/RIGHT]
 
nguyentuan_tn is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
 
[page compression: 16.92 k/17.89 k (5.39%)]